EWG là gì? Tại sao cần quan tâm EWG khi dùng sản phẩm chăm sóc da?
Mục lục
Hầu hết các sản phẩm trên thị trường được làm từ hóa chất và các nhà khoa học phát hiện ra rằng một số hóa chất trong số này có liên quan đến ung thư, hen suyễn, dị tật bẩm sinh và các vấn đề về khả năng sinh sản. Một số hóa chất xuất hiện trong mỹ phẩm được dùng thường xuyên như dầu gội, xà phòng, sản phẩm chăm sóc da,…ít được quan tâm về thành phần trước khi mua và bạn sẽ chẳng biết chúng có tác động ra sao khi sử dụng. Nếu chúng chứa các thành phần gây hại và tác động âm thầm thì quả thực nguy hiểm hơn nhiều lần, so với những tác hại nhìn thấy ngay!
Xuất phát từ lợi ích cộng đồng, từ năm 1993, tổ chức phi chính phủ có tên gọi là Environmental Working Group (EWG) đã theo dõi độ an toàn của hóa chất, chỉ ra các hóa chất gây hại và các công ty sử dụng chúng. Những nỗ lực này thực sự là động viên lớn cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc cho gia đình. Cùng M.O.C tìm hiểu về EWG và mẹo tra cứu các sản phẩm an toàn nhé!
Giải mã EWG là gì?
EWG Verified được xem là một loại chứng nhận về độ an toàn, đảm bảo sức khỏe và tính minh bạch cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân và các sản phẩm khác do Environmental Working Group (EWG) cấp. Tổ chức EWG được thành lập vào năm 1993, có trụ sở chính tại Washington DC. EWG sở hữu một hệ cơ sở dữ liệu khổng lồ, với vô số các nghiên cứu về các thành phần được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da, sản phẩm gia dụng hàng ngày, cung cấp thông tin chi tiết về độ rủi ro mà các thành phần có thể gây ra. Theo đó, Tổ chức đã đưa ra danh sách các thành phần được gán nhãn “không an toàn để sử dụng”. EWG đề cao tính minh bạch trong thành phần, đồng thời đưa ra đánh giá về các quy trình sản xuất đảm bảo. Mọi sản phẩm đã được chứng nhận EWG có nghĩa là:
- Thành phần an toàn – Không có thành phần nào nằm trong danh sách Nguy hiểm
- Tính minh bạch – công bố đầy đủ các thành phần
- Quy trình sản xuất đảm bảo an toàn
Các tiêu chí đạt chứng nhận EWG của sản phẩm chăm sóc da là gì?
Để đạt xếp hạng EWG Verified, các thương hiệu phải tuân thủ và đạt các tiêu chuẩn an toàn cao nhất do EWG quy định. Quy trình xác minh này bao gồm việc giám sát và phân tích tất cả các sản phẩm chăm sóc dựa trên 3 tiêu chí bên trên có đề cập: Thành phần an toàn, Thông tin minh bạch và sản phẩm có quy trình sản xuất đảm bảo.
Cụ thể, các sản phẩm đạt EWG Verified cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
➤ Sản phẩm không chứa bất kỳ thành phần nào trong danh sách nguy hại, không chứa thành phần ảnh hưởng đến sức khỏe, độc tính hoặc gây ô nhiễm.
➤ Sản phẩm không chứa bất kỳ thành phần nào trong danh sách “Hạn chế”, thành phần không đạt tiêu chuẩn do các cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức trong ngành đặt ra.
➤ Sản phẩm phải tuân theo nguyên tắc tiêu chuẩn về đặt tên thành phần.
➤ Sản phẩm phải công bố đầy đủ tất cả các thành phần trên nhãn, bao gồm cả các thành phần tạo mùi.
➤ Quy trình sản xuất đáp ứng theo các tiêu chuẩn sản xuất được cấp phép hiện hành.
➤ Các sản phẩm phải tuân thủ tiêu chuẩn ghi nhãn về vật liệu nano được phép sử dụng trong mỹ phẩm.
➤ Nhãn sản phẩm phải ghi ngày hết hạn hoặc thời hạn sử dụng sau khi mở nắp.
➤ Cam kết gửi báo cáo nếu sản phẩm có vấn đề hoặc có sự cố nghiêm trọng cho Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm và Tổ chức EWG.
➤ Đồng ý với các thử nghiệm sản phẩm ngẫu nhiên để đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm đều đáp ứng các Tiêu chí của EWG.
EWG ra đời với mục tiêu giúp mọi người có được nguồn tài liệu tham chiếu, từ đó có cơ sở để xác định mức độ an toàn của các sản phẩm mà chúng ta sử dụng hàng ngày. EWG cũng giúp thúc đẩy tính minh bạch trong sản xuất và mang đến cho người tiêu dùng cơ hội để có cái nhìn trực quan hơn về quy trình phát triển và thử nghiệm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của họ sau này.
Các thành phần cần tránh trong các sản phẩm chăm sóc da
Trong danh sách Không an toàn của EWG khá nhiều, tuy nhiên, M.O.C sàng lọc 7 thành phần không an toàn phổ biến nhất, được dùng nhiều trong các mỹ phẩm chăm sóc da. Từ đó, hãy bỏ khỏi giỏ hàng mua sắm những sản phẩm chứa thành phần sau, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe làn da & cơ thể.
1. Parabens
Parabens còn được gọi là chất bảo quản, là một trong những thành phần được sử dụng phổ biến nhất trong ngành mỹ phẩm nhằm kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm. Sau các nghiên cứu chỉ ra rằng, hoạt chất này gây rối loạn nội tiết, rối loạn phát triển, sinh sản, thần kinh và suy giảm miễn dịch ở cả người và động vật.
Cần đặc biệt chú ý đến:
- PROPYLPARABEN: Thường có trong các sản phẩm như nước hoa
- BUTYLPARABEN: Thành phần tạo mùi, Chất bảo quản
- ISOBUTYLPARABEN: Được sử dụng như một chất bảo quản trong các sản phẩm
- METHYLPARABEN: Thành phần tạo mùi, Chất bảo quản
- POLYPARABEN: Thành phần tạo mùi, Chất bảo quản, tạo hương
2. Dầu khoáng hay Petroleum Jelly
Dầu khoáng thường có trong kem dưỡng da và các sản phẩm chăm sóc da với công dụng giữ ẩm. Nếu được tinh chế đúng cách dầu khoáng thường không gây hại đến sức khỏe. Tuy nhiên, hầu hết các loại dầu khoáng thường KHÔNG được tinh chế đúng cách, và có nguy cơ gây ra các phản ứng Hidrocacbon thơm đa vòng hoặc PAH. Dầu khoáng còn thường xuất hiện trong các loại dầu dưỡng, kem dưỡng da, các sản phẩm dành cho môi và tẩy trang.
Các hợp chất PAHs là một nhóm gồm hơn 100 hợp chất hóa học phổ biến trong môi trường và thực phẩm. Chúng được hình thành từ quá trình đốt cháy các chất hữu cơ. Một số PAH riêng lẻ, cũng như các hỗn hợp hóa học khác có chứa PAH, được xếp loại là chất gây ung thư ở người và cũng là chất gây kích ứng da.
Cần đặc biệt chú ý đến các sản phẩm có chứa các thành phần như Soft Paraffin, Mineral Oil, Paraffin Oil, White Mineral Oil, Liquid Paraffin.
3. Chất tạo hương, tạo mùi
Mùi hương có trong hầu hết các sản phẩm thông thường trên thị trường, từ dầu gội đầu đến bột giặt, sữa rửa mặt, kem dưỡng,…Thông thường có khoảng đến 100 thành phần hóa học khác nhau để tạo nên một mùi hương của sản phẩm.
Chúng là các chất phụ gia và hầu hết các chất phụ gia đều chưa được thực nghiệm có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận một trong số đó có khả năng gây rối loạn nội tiết, ung thư, gây rối loạn phát triển, rối loạn thần kinh, có thể kể đến:
- Acetaldehyde có thể gây ung thư, gây hại cho thận, hệ thần kinh và hệ hô hấp
- Benzophenone làm rối loạn nội tiết, liên quan đến khối u gan
- Butylated Hydroxyanisole gây rối loạn nội tiết
- Butylated Hydroxytoluene dễ gây kích ứng da và mắt
Lời khuyên là bạn hãy nên ưu tiên các loại sản phẩm không mùi hoặc ít mùi để giảm thiểu sự tiếp xúc thường xuyên với hương liệu.
4. Phthalates
Phthalates có trong rất nhiều các loại mỹ phẩm từ kem dưỡng có mùi thơm đến sơn móng tay. Theo CDC, Phthalates là một nhóm hóa chất được sử dụng để giúp tăng độ dẻo dai và bám dính. Theo FDA, trong mỹ phẩm có thể chứa các phthalates dưới dạng:
- Dibutyl phthalate (DBP): Được sử dụng như một chất hóa dẻo trong các sản phẩm như sơn móng tay (giảm độ giòn để chống nứt)
- Dimethyl phthalate (DMP): Có trong thuốc xịt tóc (giảm độ cứng để tăng độ mềm dẻo khi tạo nếp trên tóc)
- Diethyl phthalate (DEP): Sử dụng làm dung môi và chất ổn định trong nước hoa
Tuy nhiên, theo khảo sát mới nhất của FDA vào năm 2010, DBP và DMP đã không còn được sử dụng nhiều trong mỹ phẩm nữa. Chỉ có DEP là phthalate duy nhất vẫn thường xuyên được sử dụng.
Cũng giống như hầu hết các thành phần trong danh sách này, Phthalates cũng gây ảnh hưởng đến nội tiết, rối loạn phát triển, sinh sản và ung thư. Các sản phẩm cần chú ý là các sản phẩm có chứa các thành phần như Phthalate, DEP, DBP, DEHP, và mùi hương.
5. Formaldehyde và các chất giải phóng Formaldehyde
Theo chuyên trang về ung thư (cancer.org) thì đây là một chất khí không màu, có mùi mạnh, được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và sản phẩm gia dụng. Trong mỹ phẩm và thậm chí là trong một số loại thực phẩm, hóa chất này được xác định là chất gây ung thư. Chất này được sử dụng như chất bảo quản để giúp kéo dài thời hạn sử dụng cho mỹ phẩm. Có thể không phải tất cả các sản phẩm đều chứa thành phần Formaldehyde, tuy nhiên một số sản phẩm lại có thể chứa các chất giải phóng thành Formaldehyde, cũng nguy hại không kém.
Các chất giải phóng Formaldehyde thường có trong dầu gội đầu, xà phòng, kem dưỡng da,… Theo dữ liệu do FDA cung cấp, gần 1/5 sản phẩm mỹ phẩm có chứa các thành phần sản sinh ra Formaldehyde. Các quốc gia thuộc Liên Minh châu Âu quy định: Nếu một sản phẩm có chứa hàm lượng chất bảo quản giải phóng Formaldehyde trên 0,05% thì sản phẩm đó phải ghi “có chứa Formaldehyde” trên nhãn sản phẩm, nhưng mỹ phẩm có nguồn gốc từ Mỹ thì không.
Ngoài tác hại gây ung thư, thành phần này còn gây kích ứng da và dị ứng ở một số người. Các sản phẩm có chứa DMDM hydantoin, Imidazolidinyl urê, Diazolidinyl urê, Quaternium-15, Bronopol (2-bromo-2-nitropropane-1,3-diol), 5-Bromo -5-nitro-1,3-dioxan, Hydroxymethylglycinate được các tổ chức khuyến nghị nên tránh xa.
6. Ethanolamines
Ethanolamines (TEA, MEA, DEA,…) – thêm một chất có trong vô số mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da từ kem dưỡng ẩm đến kem chống nắng dành cho trẻ em. Các thành phần Ethanolamine phổ biến bao gồm Monoethanolamine (MEA), Diethanolamine (DEA) và Triethanolamine (TEA). Các hóa chất này chủ yếu được sử dụng làm chất tạo bọt, chất tẩy rửa hoặc chất bảo quản trong các sản phẩm.
Theo FDA, DEA và các thành phần liên quan đến DEA có chức năng như chất nhũ hóa hoặc chất tạo bọt trong mỹ phẩm hoặc chất điều chỉnh độ pH của sản phẩm. Còn TEA thì có tác dụng là tạo mùi thơm, điều chỉnh độ pH và nhũ hóa.
Mặc dù chưa có các thông tin chính thức về tác động gây hại đến sức khỏe khiến người tiêu dùng phải lo lắng, nhưng một nghiên cứu từ Chương trình National Toxicology Program (NTP) đã tìm thấy mối liên hệ giữa chất dạng bôi của DEA cùng một số thành phần liên quan đến DEA với bệnh ung thư ở động vật thí nghiệm. Cơ quan Bảo vệ Môi trường California đã phân loại DEA là chất gây ung thư cũng như có thể gây ung thư cho người từ các bằng chứng thí nghiệm trên động vật của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế.
Bạn nên hạn chế sử dụng các sản phẩm có chứa hóa chất như Cocamide DEA, DEA-Cetyl Phosphate, DEA Oleth-3 Phosphate, Lauramide DEA, Myristamide DEA, Oleamide DEA, TEA-Lauryl Sulfate, Triethanolamine.
7. 1,4-Dioxan
1,4-Dioxane (còn được gọi là dioxane) là một hóa chất thường có trong các sản phẩm tạo bọt như dầu gội đầu, nước giặt, bột giặt và các mặt hàng khác như kem đánh răng, thuốc nhuộm tóc và dung dịch khử mùi.
Hợp chất 1,4-dioxane là một độc tố vi lượng có trong một số sản phẩm mỹ phẩm. Nhưng vấn đề thực sự nằm ở chỗ 1,4-dioxane không nhất thiết phải được sử dụng “trực tiếp” trong mỹ phẩm. Thay vào đó, chất được tạo ra khi các thành phần khác phản ứng với nhau trong quá trình sản xuất. Theo báo cáo của FDA, những thành phần này bao gồm một số chất tẩy rửa, chất tạo bọt, chất nhũ hóa và dung môi có thể nhận dạng bằng tiền tố, từ hoặc âm tiết “PEG,” “Polyethylene,” “Polyethylene glycol,” “Polyoxyethylene,” “-eth-” hoặc “-Oxynol-“
Mặc dù 1,4-dioxane chưa được thử nghiệm cụ thể trên người, nhưng có nhiều khả năng là chất gây ung thư ở người dựa trên các bằng chứng từ thí nghiệm trên động vật. EPA đã liệt kê 1,4-dioxane là chất “có khả năng gây ung thư cho con người”. EWG đánh giá chất ở thang điểm 8 và liệt kê đây là chất gây hại đường hô hấp, có hại cho sức khỏe của chúng ta ngay cả ở liều lượng nhỏ.
Các sản phẩm mỹ phẩm có các thành phần như Sodium Laureth Sulfate, các hợp chất PEG (thường được viết là “PEG” với một số theo sau), các hóa chất kết thúc bằng “eth” (biểu thị cho ethoxylation), như ceteareth và oleth cần được chú ý.
Các bước tra cứu thành phần mỹ phẩm an toàn trên website EWG
- Bước 1: Vào trang https://www.ewg.org/skindeep/
- Bước 2: Nhập tên thành phần vào thanh tìm kiếm và chọn vào kết quả sổ ra để truy cứu thông tin. Thường kết quả gợi ý có 2 nhóm Product (sản phẩm chứa thành phần) và Ingredients (đánh giá riêng thành phần). Bước này bạn nên click chọn tên từ khóa thuộc Ingredients.
- Bước 3: Đọc kết quả đánh giá. Thang điểm của EWG từ 1 đến 10, tượng trưng cho các mức độ từ Best đến Worst.
1-2: màu xanh, an toàn.
3-6: màu vàng, nguy cơ thấp.
7-10: màu đỏ, độc hại
Bạn có thể lần lượt tra cứu các thành phần của một sản phẩm để kiểm tra độ an toàn của sản phẩm đó. Tuy nhiên, không cần phải 100% các thành phần đạt chuẩn EWG, chỉ cần sản phẩm có trên 95% các thành phần đạt thang điểm xanh là bạn có thể an tâm sử dụng.
Khi thấy dòng chữ EWG VERIFIED ™ ở một sản phẩm, chúng ta sẽ biết rằng sản phẩm đó đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt nhất của EWG về tính minh bạch và an toàn cho sức khỏe, bởi các sản phẩm được gán nhãn này đều đã được kiểm nghiệm và sàng lọc gắt gao căn cứ theo toàn bộ những tiêu chí đề ra trong bài.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về da, vui lòng liên hệ để Dược Sĩ M.O.C tư vấn miễn phí cho bạn nhé!
Hotline (Zalo): 0933 79 2425
Fanpage: M.O.C Vietnam
Youtube: MOC Viet Nam